Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Xây dựng xã hội dân sự để tiến tới và củng cố dân chủ

Bài Học số 12

Chúng ta đã biết “Đời sống người dân được quan tâm như thế nào trong một xã hội dân chủ”(Bài số 2). Chúng ta cũng đã biết trong xã hội dân chủ người dân cần phải có tư duy và thái độ ra sao (Bài số 3). Câu hỏi kế tiếp là với tư duy và thái độ đó, bằng con đường nào người dân có thể tiến tới xây dựng và bảo vệ một xã hội dân chủ từ hoàn cảnh xã hội cộng sản độc tài hiện nay.
Hiện nay, nhân danh Nhà Nước, Đảng CSVN tự cho họ quyền sở hữu hết cả và kiểm soát hết cả. Như vậy, muốn có một xã hội dân chủ thì phải xây dựng và phát triển những sinh hoạt của xã hội nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà Nước, phần sinh hoạt này gọi là Xã Hội Dân Sự.
Xã Hội Dân Sự là một phần của xã hội dân chủ trong đó người CÔNG DÂN đóng vai trò chủ động.
Ngay như trong một quốc gia đã tôn trọng nguyên tắc dân chủ, đã có một cơ cấu dân chủ mà phần Xã Hội Dân Sự chưa có hay còn quá yếu kém, thì người dân trong quốc gia đó vẫn chưa được sống trong một xã hội dân chủ, đó là trường hợp nhiều quốc gia Châu Mỹ La Tinh vào những thập niên trước đây. Chính vì xã hội dân sự là sản phẩm của người dân cho nên nếu chờ đợi Nhà Nước phải “đi bước trước” thì sẽ không bao giờ xẩy ra, hay sẽ đòi hỏi một thời gian rất lâu gần giống như tiến trình … từ vượn thành ngợm rồi từ ngợm thành người.



Thái độ chờ đợi Nhà Nước đi bước trước chính là thái độ cúi mặt chờ đợi, tự nhủ hay triết lý với nhau rằng: “Chế độ cộng sản này sớm muộn cũng sẽ phải thay đổi thôi”…
Sự việc sẽ khác nhiều nếu người Việt Nam quan niệm rằng mỗi cá nhân mình là một chủ nhân của Đất Nước, mà như vậy mới đáng gọi là một công dân. Xã hội dân sự chỉ có thể thành hình và lớn mạnh bởi những công dân, mà đa số người Việt chúng ta hiện nay chưa hành xử như những công dân. Đây không phải là một miệt thị hay trách cứ mà chỉ là thái độ bình tĩnh nhìn vào thực tế để có thể vững vàng bước tới.
Xin cùng duyệt sơ lại quá khứ và xin phép hơi dài dòng một chút.
Trong những thế kỷ trước, người dân VN chỉ là một loại nô lệ của nhà vua, nói một cách văn hoa, người Việt thời đó chỉ là những “thần dân” của “An Nam Quốc Vương”. (thần đây không có nghĩa là … thần thánh mà chỉ là thần phục, là tuân theo).
Muốn yêu nước ư ? Khổng Tử dậy: Chỉ cần trung thành với nhà vua là đủ (Trung quân ái quốc !)
Muốn được coi là trung thành với nhà vua, nghĩa là yêu xã tắc, thì khi vua bảo chết là phải chết (Quân viết thần tử, thần bất tử bất trung).
Như vậy thì “thần dân” chỉ là một loại con ong, cái kiến, không cần có ý kiến riêng mà chỉ cần tuân lệnh tuyệt đối “vương quyền”.
Khi Đảng CSVN nắm chính quyền vào năm 1945, họ đã thành lập một triều đại mới , về hình thức và ngôn ngữ thì có khác biệt nhưng căn bản là Đảng Quyền đã chiếm chỗ của Vương quyền và người Việt tiếp tục được Đảng CS coi như những thần dân. Quân chủ được thay thế bằng Đảng chủ và “trung quân ái quốc” được thay thế bằng cụm từ “Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội”, và đời đời phải theo lời dậy của “Bác Hồ Kính Yêu”.
Tư duy của những kẻ nắm quyền là như vậy và tư duy của người dân là mong chờ, cùng lắm là “chui”: Kinh doanh chui, ăn chui… Những “chui dân” này ao ước và chờ đợi “Đảng” (một đức Vua ngày nay) sẽ làm chuyện này hay chuyện khác để cho (chui) dân bớt khổ.
Hai chữ “dân oan” là phát minh ngôn ngữ sau cùng của đám thần dân của Đảng.
Cho tới những ngày vào đầu thế kỷ 21, đã có những người dân Việt Nam thẳng lưng đứng dậy, dùng máu đỏ viết lên dòng chữ “Đi chết đi Đảng CSVN bán nước” hay nhẹ nhàng hơn “Tôi không thích Đảng CSVN” hoặc hô to trên đường phố Hà Nội “Không được chặt cây”.  Họ đã hành xử như những chủ nhân của Đất Nước, những “Công Dân Việt Nam” của thế kỷ 21. Như vậy, các nhân tố cho xã hội dân sự đã chính thức xuất hiện.

 
 
Mặc dầu Nhà Nước CS đã cố gắng ngăn chặn bằng mọi cách, xã hội dân sự, thể hiện qua nhiều tổ chức, đã và đang hiện diện tại VN, tuy nhiên còn giới hạn và cần gia tăng về số lượng và lãnh vực hoạt động. Xin đơn cử một số tổ chức sau đây:

Ban vận động Văn Đoàn Độc lập: Nhà văn Nguyên Ngọc
Bauxite Việt Nam: GS.Phạm Xuân Yêm, GS. Nguyễn Huệ Chi
Diễn Đàn XHDS: Ts.Nguyễn Quang A
Dòng Chúa Cứu Thế : Lm Phạm Trung Thành
Giáo hội Mennonite thuần túy: MS.Nguyễn Mạnh Hùng, MS Phạm Ngọc Thạch
Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo: Ls. Nguyễn Bắc Truyển
Hội Anh Em Dân Chủ: Ls.Nguyễn văn Đài
Hội Bầu Bí Tương Thân: Ô. Nguyễn Lê Hùng
Hội Nhà báo Độc lập: Ts.Phạm Chí Dũng
Hội Phụ Nữ Nhân Quyền: Cô Huỳnh Thục Vy, Cô Trần Thị Nga, Bà Trần Thị Hài
Hội Thánh Tin Lành Chuồng Bò: MS. Lê Quang Du
Nhóm Đưa Sách về Giáo Sứ: Cô Võ Mai Hương
Tăng Đoàn Giáo hội PGVNTN: HT.Thích Không Tánh
Vân vân …

Đối phó với sự phát triển của xã hội dân sự, hai vũ khí chính của chế độ độc tài CSVN là “Toà Án Khỉ” để nhốt tù và bộ phận “Công An Côn Đồ” để khủng bố các công dân VN hoạt động trong các nhóm và tổ chức này.
Nhu cầu chung của xã hội dân sự là quyền tự do ngôn luận, tự do tập hợp và tự do lập hội. Thái độ chung của các tập hợp này là không đợi Nhà Nước cho phép hay Nhà Nước chính thức tôn trọng những quyền hạn căn bản này của công dân thì mới bắt tay vào việc.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều người cho rằng phải có quyền tự do lập đảng, nghĩa là khi nào Nhà Nước CSVN chính thức “cho phép” tự do lập đảng thì các chính đảng mới có thể thành lập và sinh hoạt, và VN mới có Dân Chủ. Xin đừng nghĩ như vậy, phải lập đảng ngay, sinh hoạt từ kín cho tới bán công khai thì mới tiến tới ngày công dân VN có quyền tự do lập đảng.
Sự phát triển của xã hội dân sự chính là điều kiện thực hiện quyền tự do lập đảng, là điều kiện tiến tới thành lập xã hội dân chủ bây giờ và bảo vệ xã hội dân chủ sau này. Xã hội dân sự chẳng những là môi trường sinh hoạt tự do của công dân mà còn là phương tiện để ngăn chặn độc tài, tình trạng thiếu khả năng và tệ trạng tham nhũng của guồng máy Nhà Nước.
Để ngăn cản sự tạo thành của xã hội dân sự, ngoài Toà Án Khỉ và Công An Côn Đồ, một vũ khí đắc dụng cố hữu khác của chế độ độc tài là nền Độc Quyền Truyền Thông để bưng tai, bịt mắt và lừa dối quần chúng. Chính quyền độc tài cũng biết vai trò và sức mạnh của xhds nên họ đã chuẩn bị đón đầu và lập ra các xhds “cuội” để đánh lạc hướng những người thiện chí ở trong và ngoài nước. Để biết đâu là một xhds “cuội” chỉ cần xét xem tổ chức đó nhằm phục vụ ai, thành phần trụ cột có phải là cán bộ Nhà Nước hay không và nó có dành chiếm lĩnh độc quyền hay không ?
May mắn cho chúng ta là trong thế kỷ 21 này nhân loại có một phương tiện truyền thông mới là Internet. Ngoài xứ “Nhà Tù Quốc Gia Bắc Triều Tiên”, hiện không một quốc gia độc tài nào kiểm soát được Internet. Nhà Nước CSVN đã có những biện pháp như phong toả Facebook hay khai dụng dư luận viên, họ đã thất bại và sẽ thất bại hoàn toàn.
Nhưng thất bại của Nhà nước độc tài không đồng nghĩa với thành công của phong trào dân chủ. Phong trào dân chủ chúng ta chỉ thành công khai dụng Internet để xây dựng xã hội dân sự nếu chúng ta có quyết tâm và nỗ lực, không phải chỉ là học tập về dân chủ mà phải nỗ lực thực hiện các kiến thức về dân chủ vào đời sống của người dân và vào chính công cuộc tranh đấu của chúng ta.

Hoàng Cơ Định

 

1 nhận xét:

  1. Những bài học tập dân chủ này, cần phải được phổ biến rộng rãi, bằng mọi phương tiện, đến mọi người.

    Trả lờiXóa