Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Nhu cầu và vai trò của các tập hợp chính trị trong một thể chế dân chủ

Bài Học số 4


Trong bài Xã Hội Dân Chủ và đời sống người dân, chúng ta đã thấy 12 quốc gia được xếp loại là “tử tế nhất” đều là các nước có thể chế dân chủ. Thật ra, yếu tố dân chủ và hạnh phúc con người không phải chỉ thể hiện ở 12 quốc gia này, đi xuống thấp hơn trong bảng xắp hạng, ta sẽ thấy thứ 13 là Đức quốc, thứ 15 là Úc, 21 là Hoa Kỳ và 25 là Nhật Bản. Xa hơn nữa có Nga ở thứ 95 và Trung Quốc thứ 107.
Như vậy thì không còn hồ nghi gì nữa, phải có một thể chế chính trị dân chủ mới mong khá được. Mục tiêu chính của hệ thống chính trị dân chủ là làm sao người dân tự định đoạt số phận của mình và làm sao ngăn cản độc tài. Các cuộc bầu cử chỉ có ý nghĩa và giá trị nếu các quyền tự do ngôn luận, tụ họp và lập hội được tôn trọng và ứng cứ viên phải trực tiếp từ người dân chứ không bị giới hạn trong số ứng viên đã được gạn lọc bởi guồng máy đang nắm quyền. Muốn được như vậy thì  giữa công dân và chính quyền phải có một hệ thống hội đoàn và đảng chính trị. Những tập hợp quần chúng này là những đơn vị cần thiết trong guồng máy chính trị quốc gia vì sự vận hành của xã hội đã trở nên phức tạp, những cá nhân đơn lẻ sẽ không có khả năng theo dõi, nắm vững và tham gia vào sinh hoạt quốc gia. Tuy nhiên, vi thói quen hợp tác giữa một nhóm người thường không có trong các xã hội bị trị trước đây, để che dấu sự thiếu xót này, người ta thường đề cao thái độ “độc lập”, không phe phái, không chính trị và … không để người khác lợi dụng. Các quan niệm nàychỉ phản ánh tình trạng thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm sinh hoạt dân chủ của người dân trong xã hội.

Trong một xã hội dân chủ, sự hợp tác giữa mọi người thành nhiều nhóm là một hiện tượng không những bình thường mà còn cần thiết, dầu cho mục đích của sự hợp tác đó là để phục vụ phúc lợi chung trong xã hội hay chỉ để bảo vệ quyền lợi riêng của những thành viên trong Nhóm.

Chính đảng là những nhóm chuyên tham gia vào sinh hoạt chính trị của quốc gia, một xã hội dân chủ bình thường là phải có số đảng chính trị không giới hạn, gọi là đa đảng. Khi hai trong số các chính đảng có tầm quan trọng vượt trội và đóng vai trò chủ yếu trong sinh hoạt quốc gia thì đó là trường hợp của nước Mỹ, tình trạng lưỡng đảng của Mỹ quốc chỉ là một diễn tiến ngẫu nhiên, trong thực tế ở Mỹ có đa đảng, bên cạnh hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà còn nhiều chính đảng khác có tầm quan trọng giới hạn. Tuy nhiên, đã có trường hợp, một trong những đảng nhỏ này đã làm thay đổi kết quả tuyển cử Tổng Thống của nước Mỹ.

Trên bình diện chính trị quốc gia, mẫu số chung của các nước có thể chế dân chủ là sự phân chia giữa 3 quyền hạn căn bản.

Quyền soạn thảo ra các đạo luật và quyết định về chính sách của quốc gia thuộc về Quốc Hội được thi hành bởi các dân biểu do người dân bầu ra, gọi là Lập Pháp.
Quyền điều khiển guồng máy quốc gia theo chính sách đã được Quốc Hội ban hành thuộc về Tổng Thống do dân bầu ra và guồng máy chính quyền do Tổng Thống điều hành, gọi là Hành Pháp.
Quyền xét xử các công dân, kể cả Tổng Thống và các Dân Biểu, nếu vi phạm luật pháp quốc gia, gọi là Tư Pháp.
Ba bộ phận quyền lực này của quốc gia sẽ đồng thời điều hành việc nước và kiểm soát lẫn nhau theo mô hình tổng quát sau đây:

 

Hệ thống tam quyền phân lập nêu trên chỉ có thể hoạt động nếu quốc gia có sự hiện hữu của nhiều chính đảng.

 CHỨC NĂNG CỦA CÁC CHÍNH ĐẢNG

Đảng chính trị có nhiều chức năng, khác nhau tuỳ theo mỗi nước. Nhưng nhìn chung đảng có 3 chức năng chính sau đây:
1. Đề cử ứng viên cho những vị trí trong chính phủ: Đảng tuyển chọn những người giỏi nhất, bồi dưỡng và đào tạo để đưa ra ứng cử. Việc này giúp đơn giản hoá việc bầu cử, giúp chắt lọc những ứng cử viên tốt nhất. Người dân sẽ không phải tìm hiểu quá nhiều thông tin cho mỗi kỳ bầu cử, chỉ cần dựa vào uy tín của đảng gầy dựng trong nhiều năm và tìm hiểu tiểu sử của một vài ứng cử viên của các đảng.
2. Vận động tranh cử: Quảng bá, giới thiệu đảng và các ứng cử viên, kêu gọi sự ủng hộ từ nhân dân. Những cá nhân muốn tự ứng cử cũng có thể tự quảng bá cho bản thân, nhưng chắc chắn sẽ không thể hiệu quả bằng một mạng lưới chuyên nghiệp của đảng phái và rất khó đắc cử.
3. Kiểm soát hoạt động của những đảng khác. Do sự cạnh tranh nên các đảng chính trị họat động như những giám sát viên tích cực của nhân dân. Đảng cầm quyền luôn bị kiểm soát bởi những đảng khác và bất cứ một sai phạm nào đều bị chỉ trích và được đưa ra trước công chúng. Nếu đảng cầm quyền phạm nhiều sai lầm sẽ rất khó được bầu lại trong những lần sau.

NGÂN SÁCH


Các đảng chính trị cần tiền để chi trả cho những hoạt động như vận động tranh cử, điều hành công việc nội bộ, tổ chức các cuộc họp... Hầu hết ngân sách cho các đảng chính trị đều đến từ những đóng góp tự nguyện của cá nhân. Tuy nhiên, ở các nước tiến bộ, những đóng góp này được đặt dưới những điều luật khắt khe và sự kiểm soát chặt chẽ từ nhiều cơ quan khác nhau.
Tại Canada cũng như Hoa Kỳ hay nhiều quốc gia dân chủ khác, pháp luật quy định mỗi cá nhân được tự do đóng góp cho đảng mà họ ủng hộ, tuy nhiên số tiền chỉ được giới hạn ở một mức nhất định . Các công ty, công đoàn hay người nước ngoài không được phép đóng góp cho đảng chính trị. Điều này giúp ngăn ngừa việc thao túng đảng phái của một cá nhân, tập đoàn giàu có hoặc của chính phủ nước khác, tránh tình trạng đất nước bị xâu xé.
Tóm lại, tổ chức chính trị trong một thể chế dân chủ là khung sườn để ngăn ngừa nguy cơ độc tài, nhờ gắn bó vào các tiêu chuẩn của dân, do dân và vì dân, cơ cấu này cho phép đạt được các thành quả tốt đẹp nhất cho đời sống người dân. Tuy vậy đó không có tính chất đương nhiên và bảo đảm kết quả tuyệt đối…

Điều có thể kết luận được là thể chế dân chủ có xác suất cao, rất cao, đem lại hạnh phúc cho người dân và tiến bộ bền vững cho xã hội. Phẩm chất của công dân là yếu tố song hành để tạo ra kết quả đó.

Hoàng Cơ Định

(Trong bài viết này, tôi đã sử dụng hình ảnh và nhiều đoạn sao chép nguyên văn từ các tác giả khác, mong được thứ lỗi vì đã không xin phép trước).

 
http://en.wikipedia.org/wiki/Good_Country_Index

2 nhận xét:

  1. Rất ngắn gọn và dễ hiểu. Cám ơn ông Hoàng Cơ Định. Cho phép tôi đưa về Blog của tôi.

    Trả lờiXóa
  2. Truyền thông báo chí, thường được ví là "Đệ Tứ Quyền", cũng đóng một vai trò minh bạch trong cán cân "Quyền Lực Chính Trị".

    Trả lờiXóa