Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Tư duy và thái độ cần có của người dân trong một xã hội dân chủ

Bài Học số 3
 
Ở thủa hoang sơ, chưa có xã hội, chưa thành quốc gia, con người tuy sống cơ cực vất vả, nhưng người ta vẫn sống...
Ngược lại, nếu xã hội hay quốc gia không có con người thì những thứ đó chỉ còn là những xác không hồn, đúng hơn, chưa được coi là những cái xác. Như vậy thì người dân phải là chủ của xã hội, của quốc gia, dân chủ chỉ là một hiện tượng tự nhiên, hợp lý ...
Những vua chúa trước đây đã nhân danh “mệnh trời” hay những chính thể độc tài ngày nay, nhân danh “quy luật lịch sử” để áp đặt quyền cai trị của họ lên xã hội, lên người dân, chỉ là những hành động tiếm đoạt, cướp quyền Dân Chủ của người dân.
Vậy phải làm sao lấy lại dân chủ là việc làm hợp lý và cần thiết.
Nhưng cũng như mọi trường hợp tài sản bị cướp đoạt, nếu ta không tha thiết với tài sản đã mất, nếu không có ý chí đòi lại, thì sẽ không thể nào có lại, hay co được “cho lại” thì cũng sẽ mất. Như vậy điều kiện để có được và giữ được dân chủ là người dân phải tha thiết với quyền làm chủ Đất Nước của mình.

 




Do cơ duyên của lịch sử, các xã hội dân chủ đã hình thành trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng để tiến tới hay duy trì sinh hoạt dân chủ trong một quốc gia, tư duy và thái độ dân chủ của người dân là yếu tố căn bản.

Để làm chủ quốc gia, ngoài ý hướng, người dân trước nhất phải có  thái độ và kiến thức “làm chủ”.

Thái độ dân chủ khởi đi từ điểm mỗi người dân phải lưu tâm tới xã hội xung quanh mình, biết tán thưởng điều hay và bận tâm trước những chuyện xấu xa, không phải chỉ đối với xã hội loài người mà cả tới môi trường và cảnh quan xung quanh. Những con người vô cảm sẽ không có khả năng tham gia sinh hoạt trong một xã hội dân chủ. Nếu một con người vô cảm có cơ hội “lạc tới” một xã hội dân chủ, con người đó sẽ chỉ là những thành phần sống bám, lợi dụng các tiện ích vật chất và tinh thần do xã hội mang lại.

Những người vô cảm chỉ là thành phần cho gì nhận nấy, nếu bị đàn áp thì sẵn sàng tự so sánh với thời gian khổ nhục hơn trước đó để cam chịu, hay luồn lách “chui” qua khe hở của guồng máy áp bức để được khá hơn đôi chút rồi ngụy trang qua thái độ mặckệnó.

Lật đổ, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn: Chấm dứt một chế độ độc tài là việc làm rất khó. Làm sao để xây dựng ý thức quan tâm tới xã hội quanh mình của người dân tuy không dễ nhưng ít khó hơn.

Sau khi thoát khỏi bệnh vô cảm, người dân cần có một thái độ căn bản trong xã hội dân chủ, đó là biết chấp nhận và tôn trọng ý kiến khác biệt.

Trong chế độ quân chủ chuyên chế hay “đảng chủ chuyên chế”, Lệnh Vua hay Ý Đảng, là khuôn mẫu để dân đen tuân theo và đã là dân đen thì còn gì khác biệt giữa ý kiến người này với người kia. Trong một xã hội Dân chủ thì từ người dân, xa hơn là các Dân Biểu hay Chính Đảng, sẽ phải có nhiều ý kiến. Nguyên tắc sinh tồn là phải biết tương nhượng, dung hoà với nhau giữa Đa Số và Thiểu Số. Dung hoà giữa đa số và thiểu số có nghĩa là làm việc theo ý kiến của đa số nhưng vẫn tôn trọng ý kiến thiểu số, và xin coi đây chỉ là một quy ước để làm việc, không có nghĩa cứ đa số là phải tuyệt đối đúng. Có như vậy mới tránh được sự lạm dụng của đa số, kéo bè kết đảng để ép buộc “Thiểu sô phục tùng Đa số”. Ý niệm phục tùng dễ đưa tới thái độ áp chế và cơ chế dân chủ mau chóng biến chất thành một loại độc tài trá hình, thủ tiêu quyền được có ý kiến khác biệt. Lịch sử các đảng cộng sản đã chứng minh vấn nạn này.

Muốn tiến tới 1 xã hội dân chủ đích thực với sự dung hoà giữa đa số và thiểu số thì từ căn bản người dân đã phải có tư duy cởi mở, tôn trọng ý kiến khác biệt và có thể hợp tác được với cả những ai có phần nào ý kiến khác với mình.

Không tôn trọng ý kiến khác biệt người ta sẽ trở thành một loại “độc tài cá nhân”. Đây là hiện tượng thấy rất rõ trong cộng đồng người Việt chống cộng tại hải ngoại. Đồng bào trong cộng đồng này, tuy cùng thân phận bỏ nước ra đi vì họa độc tài cộng sản, một số người đã quay ra chống đối nhau gay gắt chỉ vì khác biệt về lối chống cộng. Họ quy chụp cho nhau là “tay sai Việt cộng” rồi tập trung vào chuyện tấn công “tay sai” bỏ lơ kẻ thù chính là chế độ độc tài CSVN. Đây là tệ trạng đã kéo dài nhiều thập niên, một phần do chính CSVN đạo diễn, nhưng phần quan trọng vẫn là do tư duy “tiền dân chủ” của một số người trong cộng đồng chống cộng.

Sau khi đã có ý hướng và thái độ dân chủ, người dân còn phải trau dồi để có trình độ xứng đáng trong vai trò “làm chủ” của xã hội, của quốc gia.

Một trong những điểm đặc trưng của xã hội dân chủ là quyền tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận giúp nẩy nở các ý kiến mới và giới hạn lạm dụng. Nhưng sử dụng quyền này con người cần có ý thức trách nhiệm, nhất là khi loan tin về cá nhân hay tổ chức. Về phía người đọc tin, cũng cần có thái độ vô tư để xét đoán mức độ chính xác của nguồn tin, để tin theo và phổ biến nếu muốn. Không thể ỷ vào lý do thấy báo đăng hay đọc được trên mạng Internet để loan truyền các câu chuyện vô căn cứ có thể thương tổn danh dự người khác.

Cần phải tận diệt thói xấu từ những thế kỷ trước thể hiện qua câu “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Đây là hành động chẳng những thể hiện thái độ hồ đồ vô trách nhiệm mà còn biểu lộ tâm địa xấu xa, thiếu văn minh của con người. Cũng cần phải xoá sổ những mẩu “chuyện ngụ ngôn” vô ý thức như chuyện Tăng Sâm giết người. Sự vô luân lý trong câu chuyện này là có kẻ đã dám khơi khơi loan truyền cái tin “Tăng Sâm giết người”, một loại tin vô căn cứ mà độc hại cho nạn nhân. Một khía cạnh vô lý khác của câu chuyện là một bà mẹ, khi nghe tin đồn dữ về con mình, đã không nắm kẻ loan tin lại hỏi cho ra lẽ, mà vội tin ngay rồi bỏ chạy chỉ vì nó được lập lại 3 lần. Ngày nay mà còn tin vào những giai thoại như “Tăng Sâm giết người”, dùng lối suy nghĩ này như một khuôn mẫu thì không thể nào bước vào kỷ nguyên dân chủ.

Ngoài việc tự nâng cao trình độ để phán xét các nguồn thông tin, người dân trong vai trò chủ nhân của Đất Nước cần có nỗ lực nhìn ra bên ngoài để biết mình hay hay dở ra sao để còn cải thiện.

Theo thông kê LHQ thì dân VN được xếp hạng là lạc quan và hạnh phúc thứ nhì trên thế giới (chỉ sau Costa Rica). Trong khi tại một bản thống kê khác đánh giá đâu là nơi đáng sống, căn cứ trên trình độ văn hoá, môi trường, an toàn, mức sống … của người dân trong 125 quốc gia thì Việt Nam xếp hạng 124, chỉ hơn Lybia mà thôi.

Hai con số thống kê tương phản này chỉ có thể giải thích rằng dân VN chúng ta hạnh phúc vì không biết thế nào là khổ, là xấu. Người Việt chúng ta vẫn có câu nói chơi “Ngu xi hưởng thái bình”, nhưng chúng ta chẳng thể đùa bỡn với danh dự của một quốc gia, tương lai của cả một dân tộc.

Như bất cứ chế độ độc tài nào, CSVN hiện đang chủ trương ru ngủ, đầu độc người dân bằng cách một mặt cấm báo chí tư nhân, mặt khác khuyến khích những hội hè, đình đám, xa phí, rượu và thác loạn tình dục… Nhưng nếu trong bảng xếp loại các quốc gia tử tế, đáng sống mà VN đứng áp chót thì tình trạng kém cỏi đã hiển hiện, không cách nào dấu nổi, nếu không hay bớt vô cảm thì phải nhìn thấy.

Cơ may là chúng ta sống trong kỷ nguyên internet, nhiều chuyện có thể làm bằng cách “Online”. “Học Tập Dân Chủ On Line” sẽ là minh chứng điển hình.

Có người đặt câu hỏi, nếu ngày nay học tập thế nào là dân chủ thì bao giờ chuyển qua hay bắt đầu tranh đấu để chấm dứt độc tài và giành lại quyền dân chủ ? Câu trả lời là “Học Tập về Dân Chủ” chính là một phần của công tác đấu tranh chống độc tài. Chúng ta cần gia tăng số người thấm nhuần ý hướng dân chủ, thái độ dân chủ và kiến thức dân chủ. Đây là cách để gia tăng số người quan tâm tham gia việc nước đồng thời nắm vững quy luật dân chủ. Nhờ nắm vững những quy luật dân chủ người ta sẽ tham gia đấu tranh trong kỷ luật chống với kẻ thù chung là chế độ độc tài CSVN, thay vì phí sức đấu tranh chống lẫn nhau.

 
 Hoàng Cơ Định

1 nhận xét:

  1. Buồn thay... cái TÔI của người Việt Nam quá lớn.
    Mấy ai đặt Tổ Quốc - Dân Tộc - Trách Nhiệm lên trên hết?

    Trả lờiXóa